Nhà ống 4×17 tại TP.HCM thiết kế mặt tiền 2 lớp để tăng cường gió mát vào nhà
Nằm trong khu dân cư đông đúc tại TP.Hồ Chí Minh và mang nhiều đặc điểm của một ngôi nhà ống điển hình, Minimal House được thiết kế dựa trên mong muốn ưu tiên vào chất lượng cuộc sống, tạo ra không gian hiện đại, tối giản với nhiều ánh sáng tự nhiên.
Minimal House với 3 mặt giáp các công trình khác nên luôn gặp phải vấn đề thiếu sáng và thông gió tự nhiên
Mặt tiền với thiết kế hai lớp bao gồm một lam thép bên ngoài và một cửa kính trượt bên trong. Giữa hai lớp có hàng cây xanh dọc mặt tiền
Sự linh hoạt của hệ thống “double skins” cho phép ngôi nhà được thông gió và đón tối đa lượng gió và ánh sáng vào bên trong
Chủ sở hữu của Minimal House là một gia đình bận rộn với công việc. Chính bởi thế, họ mong ngôi nhà của mình sẽ là nơi “trú ẩn” tuyệt vời với không gian sống chất lượng, ngập tràn ánh sáng tự nhiên và không cần quá cầu kỳ trong thiết kế. Để làm được điều này, nhóm KTS đã sử dụng thủ pháp “vay mượn không gian” để ngôi nhà trở nên thông thoáng và có cảm giác rộng rãi hơn. Bên cạnh đó việc này còn rất có ý nghĩa trong việc kết hợp khai thác chiếu sáng, thông gió; tận dụng diện tích giao thông…
Minimal House bao gồm 3 tầng, được phân chia công năng hợp lý để các thành viên trong gia đình vừa có không gian nghỉ ngơi riêng tư, vừa có thể tương tác nhiều hơn với nhau. Theo đó, tầng 1 là khu vực của gara để xe, phòng sinh hoạt chung, bếp và phòng ăn. Bậc tam cấp tạo không gian lệch tầng để phân chia và ngăn cách giữa gara phía trước và không gian sinh hoạt, bếp, ăn phía sau.
Bậc tam cấp phân chia không gian để xe và khu vực sinh hoạt chung
Thủ pháp “vay mượn không gian” vừa tạo ra tính kết nối mà vẫn có sự riêng tư nhất định
Không gian bếp được thiết kế dọc theo chiều dài của ngôi nhà với bàn ăn dài và liên thông với không gian sinh hoạt chung. Vì đa phần văn hóa ăn uống của người Việt thường rất nhanh và kết thúc sớm. Các kiến trúc sư muốn đặt không gian sinh hoạt chung bên cạnh để tối đa thời gian kết nối của các thành viên trong gia đình. Một khoảng thông tầng lớn được bố trí ngay trên bàn ăn, giúp khu vực này có thể nhận được nguồn ánh sáng dồi dào cùng như tạo sự liên kết giữa các tầng 1 và tầng 2.
Khu vực bếp kết nối với không gian sinh hoạt chung để sau mỗi bữa ăn mọi người sẽ cùng nhau chia sẻ về một ngày làm việc, học tập
Bàn ăn dài hướng về phía khoảng sân xanh mát. Khoảng tường cong được thiết kế với dụng ý che đi hộp kỹ thuật và tạo thành điểm nhấn ấn tượng
Khoảng thông tầng vừa có tác dụng đưa ánh sáng từ trên xuống dưới vừa gắn kết mọi người trong nhà nhiều hơn nữa
Tầng 2 có kệ sắt trang trí kết hợp vách ngăn giữa không gian làm việc và cầu thang. Thiết kế rỗng hai bên đã mang lại lượng ánh sáng gián tiếp vừa phải vào không gian này. Phòng khách được bố trí ngay mặt tiền tầng 2 với hệ thống cửa gỗ lùa mang đậm nét văn hóa Nhật Bản. Các chi tiết trang trí đơn giản và đề cao tinh thần tối giản, đúng theo mong muốn của gia chủ.
Kệ sắt trang trí kết hợp vách ngăn giữa không gian làm việc và cầu thang
Từ không gian bếp – ăn nhìn lên là một hành lang với hệ thống tủ sách và bàn học
Minimal House không sử dụng nhiều tường ngăn mà thay vào đó là các cách ngăn rỗng để lấy sáng cho từng không gian
Thiết kế “nửa kín, nửa hở” nhưng vẫn đảm bảo riêng tư và không gian yên tĩnh cho gia chủ làm việc
Giá sách cao kịch trần để không gian thêm gọn gàng, ngăn nắp hơn
Phòng khách với hệ thống cửa gỗ lùa mang đậm nét văn hóa Nhật Bản
Thiết kế tối giản nhưng rất tinh tế qua từng đường nét, chi tiết
Cầu thang có lẽ là một điểm khá đặc biệt ở Minimal House. Vì diện tích hạn chế nên cá KTS đã chọn kết hợp giếng trời và cầu thang thành một. Sử dụng ánh sáng từ trên cao cho toàn bộ không gian này. Ánh sáng tự nhiên trực tiếp sẽ được đưa lên tầng 1 qua các khoảng trống giữa tường và các góc cầu thang bo tròn. Ánh sáng gián tiếp được lấy vào qua các khe hở của cầu thang. Điều này sẽ làm giảm lượng ánh sáng xuống phần dưới của ngôi nhà, phù hợp hơn với khí hậu nắng nóng của TP.Hồ Chí Minh.
Các tấm gỗ và thép được sử dụng cho cầu thang đã giảm tải trọng cũng như hạn chế lượng bê tông cần thiết cho việc xây dựng ngôi nhà. Với mục đích tối ưu hóa chi phí xây dựng, KTS dùng ván HDF là chủ yếu vì đây là loại vật liệu phổ biến và có giá thành hợp lý nhất hiện nay tại TP.HCM. Những vật liệu này có tác dụng giảm thiểu đáng kể tác động đến môi trường trong quá trình xây dựng.
Cầu thang có chức năng kết nối lưu thông giữa các không gian dọc cùng với hành lang và giếng trời
Cầu thang từ tầng 2 trở lên đã được lùi ra phía sau, tăng diện tích sử dụng cho phòng ngủ master phía trước
Cầu thang uốn lượn thiết kế “bay bổng” nhưng rất chắc chắn với mặt bậc là gỗ sồi tự nhiên, bên trong có lõi thép hộp
Không gian của hai phòng ngủ được thiết kế tối giản, không có quá nhiều đồ nội thất. Các ngăn tủ lớn được tích hợp sẵn giúp căn phòng luôn gọn gàng và sạch sẽ. Phòng tắm chính được thông gió và có nhiều ánh sáng tự nhiên vì tiếp xúc với mảng xanh ngay bên trong và có giếng trời bao quanh.
Thiết kế tối giản nhưng ngập tràn ánh sáng tự nhiên của phòng ngủ
Không có quá nhiều đồ nội thất để không gian này trở thành nơi nghỉ ngơi đúng nghĩa
Vật liệu gỗ chủ đạo góp phần mang đến bầu không khí ấm cúng
Phòng vệ sinh sử dụng gạch thẻ màu xanh tạo cảm giác mới mẻ hơn cho không gian
Phòng tắm chính như nằm giữa thiên nhiên vì vừa có giếng trời vừa có mảng xanh
Cuối tầng 3 là gian thờ ở phía trước. Bên ngoài là sân thượng rộng có thể trồng cây, thư giãn và trò chuyện. Phía sau là khu giặt phơi kết hợp sân trồng rau.
Lựa chọn phong cách tối giản làm chủ đạo nhưng thiết kế của Minimal House lại không hề đơn giản khi nhóm KTS phải xử lý nhược điểm của nhà ống, giải quyết công năng phù hợp cũng như tối ưu hóa chi phí xây dựng. Kết quả đạt được là một ngôi nhà phố hiện đại, tiện nghi và khiến gia chủ vô cùng ưng ý.
Nguồn: Sưu tầm
Nguồn: Nhà ống 4×17 tại TP.HCM thiết kế mặt tiền 2 lớp để tăng cường gió mát vào nhà