Your search results

Nhà Bánh Đúc – Ngôi nhà phố lấy cảm hứng từ loại bánh thuần Việt, giản dị mà tinh tế

Posted by ccom on 03/04/2023
0
Nhà Bánh Đúc là ngôi nhà phố được lấy cảm hứng từ loại bánh quen thuộc của người Việt, thức quà quê mát mịn. Tuy ý tưởng đơn giản là vậy, nhưng cách KTS triển khai ý tưởng và thiết kế mới thấy được sự tỉ mỉ, chỉn chu và đề cao những chất liệu tự nhiên.
Chủ nhân của công trình nhà phố Nhà Bánh Đúc này là cặp vợ chồng KTS Lê Tiến Anh và KTS Nguyễn Ngọc Thanh Trang, nên không khó để hiểu rằng ngôi nhà phố mang ý tưởng thiết kế rất thú vị. KTS Lê Tiến Anh chia sẻ với Happynest: “Khi bắt đầu phác thảo chúng tôi đã không ngừng nghĩ về sự tối giản hoàn hảo mà thức quà quê mang đến. Sự đơn giản luôn mang lại cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về thẩm mỹ, sự giao thoa, kết nối, hoà mình vào hoạt động chính của con người từ đó tạo nên nền tảng giá trị cốt lõi”.
Nhà Bánh Đúc mang thiết kế tối giản với gam màu trắng “muốt” hệt như tên gọi
Từ đó, cặp đôi KTS lên ý tưởng thiết kế chính về các không gian mang khối tích nhỏ, chồng lên nhau, từ đó mở ra những khoảng thông tầng thi vị với nắng – gió – mưa. Vẫn như mọi lần, cặp đôi KTS coi trọng sự đơn giản và “phần bù” cho công trình nhà phố, bỏ qua toàn bộ tính trang trí, bóc trần toàn bộ vẻ hào nhoáng vốn dĩ ai cũng mong muốn hướng tới. Cái còn lại là hình khối căn bản, kỷ hà, giá trị cốt lõi và sự tương tác thực sự cần thiết trong không gian mà bản thân gia chủ thực sự mong muốn.
Ngôi nhà phố là tổng thể cân bằng của không gian thông gió khi tận dụng bẫy đón gió, và làm giảm nhiệt đối lưu trong môi trường khí hậu Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy khi mùa nắng nóng thông qua thông tầng làm giảm nhiệt độ so với môi trường xung quanh, mùa mưa tạo được không gian giao thoa với thiên nhiên khi theo thông tầng mưa trực tiếp xuống hồ nước .
Tất cả các phòng đều hạn chế sử dụng điện năng ban ngày, có được thông gió đối lưu và không khí. Việc toàn bộ không gian tầng trệt được mở ra khi cần thiết cũng nhằm mục đích hòa mình vào thiên nhiên tạo thành sự kết nối vô hình với khoảng thông tầng căng đầy nắng gió.
Ngăn cách với đường chính là một khoảng đệm (rỗng), đồng thời là gara để xe của gia đình
Ngôi nhà phố lược bỏ phòng khách, hạn chế tiếp khách tại nhà để dành thời gian cho các thành viên gia đình
Không gian sinh hoạt chủ đạo chính là phòng bếp – ăn của gia đình được đặt ở cuối ngôi nhà phố
Vật liệu chủ yếu của công trình đơn giản, chỉ xây dựng tường và sơn nước trắng, lập li mảng kính lớn kéo dài là chủ đích của nhóm thiết kế khi mong muốn có một sự tương phản đơn giản, cơ bản để hướng một không gian hướng nội khi đủ kết nối sẽ có sự giao thoa hướng ngoại.
Từ đó mọi sự kết nối của gia chủ sẽ được phép xuất hiện một cách tự nhiên. Mọi hoạt động trong ngày sẽ trở lên linh hoạt hơn khi nơi làm việc hay nơi ăn uống có thể nhanh chóng trở thành một không gian sinh hoạt chung vừa ngoài trời, lại vừa trong nhà.
Nhà Bánh Đúc thể hiện được suy nghĩ ban sơ về tính bản địa trong ngôi nhà phố, nhưng cách thể hiện lại hiện đại và thú vị hơn khi tổ chức các không gian đối thoại và tôn trọng cách xây dựng cơ bản. Nhóm thiết kế không mong muốn gán ghép hay thêm thắt quá nhiều chi tiết dư thừa. Trở về cơ bản hay cơ bản của cơ bản là điều mà nền tảng của Nhà Bánh Đúc hướng tới.
Cây xanh trong công trình vốn dĩ được sử dụng gia giảm để phù hợp một phần với tính tối giản của công trình từ việc tưới, chăm sóc cũng được chú trọng ở mức cân đối nhất, tập trung vào thói quen gia chủ và tính trải nghiệm cần thiết nhất trong ngôi nhà.
Phòng bếp – ăn là không gian gần như mở hoàn toàn, tiếp xúc tối đa với tự nhiên
Nội thất khu bếp có sự xuất hiện của nhiều vật liệu đa dạng như gỗ công nghiệp, gỗ giả xi măng ở đảo bếp, tủ kệ với cách cửa đan mây tre mộc mạc
Bên cạnh đó, một số yếu tố nổi bật trong thiết kế của Nhà Bánh Đúc có thể kể đến như kết hợp các khối đặc – rỗng đan xen. Thay vì tối đa hoá diện tích ở sẽ trở nên thừa thãi với nhu cầu sử dụng, KTS dành một khoảng trống đủ rộng để trải nghiệm, nơi có hồ nước, không gian thoáng, nắng gió và mưa. Ngôi nhà phố nằm ở hướng Tây Nam, nên những không gian hướng nội chính là tổ hợp khối đặc của công trình. Ngoài các yếu tố đặc – rỗng, phần bù cũng rất được chú trọng, chính là phần bù lại những điều còn thiếu, là mối quan hệ cộng sinh giữa người với người, giữa người với ngôi nhà và các tương tác bên ngoài xã hội.
Với thiết kế trục giao thông đứng, khối vệ sinh, khối bếp được đưa về 1 phía nhằm tối ưu hoá các không gian sinh hoạt còn lại, bên cạnh đó thuận tiện xử lý các vấn đề về bảo hành bảo trì của chủ đầu tư. Tạo nên giá trị bền vững và tránh lãng phí trong quá trình thi công.
Góc ảnh thể hiện sự đặc – rỗng đan xen rõ nét của công trình nhà phố Nhà Bánh Đúc
Hành lang tầng 2 ấn tượng chính bởi các đường nét tinh giản trong thiết kế, hệt như một triển lãm
Giếng trời chính là cái “bẫy” ánh sáng, thông gió hiệu quả của ngôi nhà phố
Phòng ngủ luôn hướng tầm nhìn ra khoảng thông tầng giếng trời, nhờ đó mà hạn chế sử dụng điện năng mà vẫn có thể ngắm nhìn thiên nhiên, con người
Một phòng ngủ khác với hệ cửa gỗ kéo trượt tối ưu diện tích sinh hoạt
Các chi tiết tự nhiên được Nhà Bánh Đúc đưa vào không gian sống như: cây xanh, ánh sáng, khí trời, hồ nước, bố trí hài hoà với thiết kế tối giản của ngôi nhà phố
Bản vẽ mặt bằng công trình nhà phố Nhà Bánh Đúc
Nhà Bánh Đúc là công trình nhà phố mang ý tưởng mộc mạc, đơn thuần, thế nhưng những điều cốt lõi bên trong lại được thể hiện rất chỉn chu, tỉ mỉ. Nhà Bánh Đúc – đến với khái niệm sống đủ, và nhà là nơi để ở để cùng xây dựng những kỉ niệm khi mọi điểm nhìn trong không gian đều hướng đến sự tương tác lẫn nhau.
Nguồn: Sưu tầm

Nguồn: Nhà Bánh Đúc – Ngôi nhà phố lấy cảm hứng từ loại bánh thuần Việt, giản dị mà tinh tế

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Compare Listings